Tôm khô Cà Mau nằm trong top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam

Câu hỏi đầu tiên mà chúng ta được dặn dò khi mới đặt chân đến hay suy nghĩ trước khi chào tạm biệt một một vùng đất mới đều xoay quanh hai từ đặc sản: ở đây có đặc sản gì, mua đặc sản gì để làm quà, v.v. Nhưng bây giờ chúng ta có thể thoải mái vui chơi, giảm bớt gánh nặng nhờ danh sách top 10 đặc sản nổi tiếng Việt Nam 2017 do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings mới công bố gần đây. Có đi đến đâu chỉ cần xem qua danh sách này là ắt hẳn có được món quà ý nghĩa dành tặng cho mọi người.

Top 10 đặc sản quà tặng

Đặc sản là những sản vật rất rất đặc biệt của địa phương. Nó có thể là hải sản, là nước uống, là món ăn, v.v và hễ nhắc đến đặc sản là nghiễm nhiên có địa danh theo sau. Thực tế, Việt Nam có vô vàn đặc sản ngon nổi bật nhưng top 10 này sẽ là những đăc sản nổi tiếng nhất, được người người biết đến. Từ vùng cực Nam xa xôi cho đến Tây Nguyên nắng gió, đồng bằng màu mỡ hay Tây Bắc rừng núi, mỗi nơi đều hiện diện một cái tên quen thuộc. Nào tôm khô Cà Mau, nào cà phê Buôn Ma Thuột, nào bánh đậu xanh Hải Dương, nào chè Shan tuyết Suối Giàng, v.v.

1. Tôm khô Cà Mau

Tôm khô Cà Mau

Trong các tỉnh Nam Bộ, có thể nói Cà Mau là địa danh nổi bật nhất với hàng loạt đặc sản tiếng tăm. Ở đó có cua Cà Mau ngọt thơm chắc nịch, có mắm Ba Khía dân giã mặn mòi, có lẩu mắm U Minh đậm đà hương vị, mật ong rừng tràm U Minh sánh vàng và đặc biệt có tôm khô Cà Mau dẻo ngọt tự nhiên. Tuy có rất nhiều sự lựa chọn, nhưng con tôm khô Cà Mau vẫn được ưu ái hơn hết. Có lẽ hương vị, nguyên liệu đã tạo nên sự khác biệt này.

Tôm khô Cà Mau chính gốc phải làm từ những con tép (tôm) đất bạc – nguyên liệu có một không hai ở đất mũi. Lưu ý, các loại tôm khác có thể to con, nhiều thịt nhưng không có vị ngọt tự nhiên, chắc thịt như loại này. Từ con tôm tươi sống, ngư dân sẽ chế biến thủ công theo “nghề” của gia đình để làm thành tôm khô. Rửa sạch rồi cho vào nồi luộc, thêm muối theo tỷ lệ nhất định; sau đó vớt tôm bóc vỏ rút chỉ và phơi nắng; công đoạn nghe có vẻ đơn giản song chất lượng thành phẩm sẽ có chút khác nhau ở tay nghề. Chọn con tôm ra sao, cho bao nhiêu muối, nên luộc tôm vào thời điểm nào, phơi nắng sao cho hợp đóng vai trò không hề nhỏ.

Hương vị của tôm khô Cà Mau rất khó so sánh vì nó quá độc, quá nhất. Con tôm khô có màu đỏ hồng khắp thân nhìn rất đẹp, thịt thì chắc. Phần hương vị nổi bật với vị ngọt tự nhiên, mùi thơm hải sản nhưng không nồng, thưởng thức sẽ thấy thịt vừa dai vừa mềm. Hơn nữa, tuy là khô nhưng thành phần dinh dưỡng trong tôm khô rất cao có giá trị với sức khỏe con người. Bởi vậy, đặc sản tôm khô Cà Mau mới được thực khách gần xa ưa chuộng, sử dụng cho rất nhiều mục đích. Những người con xa xứ ăn để nhớ về quê hương, những đối tác thì xem là món quà quý biếu tặng nhau các dịp lễ tết, còn các bà nội trợ thì giữ trong nhà để giành đãi khách quý đến chơi để đổi mới hương vị cho bữa ăn gia đình.

2. Cà phê Buôn Mê Thuột – hương vị Tây Nguyên

“Ly cà phê như muốn nói, nói cùng em câu gì”. Có lẽ đó sự thổn thức, say mê của đặc sản Cà phê Buôn Mê Thuột. Tây Nguyên nắng gió nhưng cà phê lúc nào cũng xanh tốt, trái lúc nào cũng cho vị đậm đà. Bởi vậy, thực khách của loại cà phê này không chỉ gói gọn trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn có cả nước ngoài.  

Gốc của cà phê Buôn Mê Thuột ở tình Đắk Lắk – nơi có đất bazan màu mỡ. Mỗi độ vào mùa cà phê, một màu đỏ đậm phủ khắp đồi nương, người dân háo hức thu hoạch trái chín rồi đem về chế biến hạt cà phê. Họ phơi nắng cho khô, rang thật thơm, sau đó xay ra để pha với nước nóng mời khách thưởng thức. Từng giọt cà phê đậm đà, thơm lừng mang theo hương vị khác biệt khiến cái nhấp thử trở nên khó quên. Ngày nay cà phê Buôn Ma Thuột đã được chế biến công nghiệp hơn nhưng ở đâu đó hồn núi rừng Tây Nguyên vẫn còn lắng đọng trong thứ bột mịn vàng đậm óng ả. Hương vị Tây Nguyên khó quên vì thế vẫn khiến người ta phải thổn thức, phải say mê.

3. Chè Shan tuyết Suối Giàng – đặc sản của Yên Bái

Chè tuyết Suối Giàng

Cà phê đã có, chắc chắc chè cũng không ngoại lệ. Nhắc đến chè phải kể đến thủ phủ Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Giang. Do địa lý và thổ nhưỡng của Tây Bắc phù hợp với giống cây nên ở đây có rất nhiều loại chè ngon. Tuy nhiên, cái tên lọt vào top 10 đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam là một loại chè ở Suối Giàng - chè Shan tuyết.

Đặc sản nổi tiếng luôn khác biệt vì thế cây chè Shan tuyết cũng có hình dáng không giống bình thường. Thân cao lớn, có nhiều cành khác hẳn những đồi chè chúng ta đã từng thấy. Muốn thu hái chè người dân phải trèo lên cây, đeo gùi mới hái được. Đặc biệt, phần thân của chúng có màu trắng mốc và búp chè luôn phủ một lớp lông tơ mịn trắng như tuyết. Có lẽ cái tên Chè Shan tuyết cũng từ lí do này mà ra.

Thưởng thức chè có hai kiểu, chè tươi và chè khô. Với người Suối Giàng, họ thích chè tươi nhất vì lá chè của nhà hái được nếu pha ngay sẽ rất ngon, còn chè khô là để dự trữ và bán. Họ sẽ chọn lấy một nhúm chè xanh, rửa sạch rồi bóp cho dập sau đó bảo vào ấm đất nung già. Nước lấy từ trên suối về được đun sôi cho vào ấm đất. Rót một phần nhỏ nước sôi cho vào ấm để tráng chè sau đó đổ nước đi, tiếp đó cho nước vào ngập mặt chè đậy nắp cho ngấm, 10 – 15 phút sau rót ra thưởng thức. Nước chè xanh thơm, vàng óng được pha từ nước suối đun sôi vừa ngọt vừa chát rất lạ miệng.

4. Rượu Bàu Đá – đệ nhất tửu của đất võ

Rượu Bàu Đá – đệ nhất tửu của đất võ

Nếu Cà Mau có tôm khô, Đắk Lắk có cà phê, Yên Bái có chè thì Bình Định có rượu Bàu Đá. Đây là loại rượu rất nổi tiếng của vùng đất võ. Tiếng tăm của nó đã đi vào thơ ca và đươc ca ngợi là đệ nhất tửu.

Để có được thứ nước thơm cay, người nấu rượu phải chọn nước từ đầu nguồn sông Kôn hay lọc từ những hộc đá ngầm. Ngoài ra, cách chọn nguyên liệu: gạo, men rượu và cách ủ cũng có bí quyết riêng. Tất cả kết hợp tạo ra những giọt rượu thơm ngon, cay nồng.

5. Bánh đậu xanh Hải Dương (tỉnh Hải Dương)

Bánh đậu xanh Hải Dương (tỉnh Hải Dương)

Với nhiều người có thể bánh đậu xanh ăn rất ngán, rất ngọt nhưng nếu biết cách thưởng thức thì đây quả thực là đặc sản trứ danh. Bánh được dùng trong các dịp lễ tết, trung thu của nhiều gia đình và được xem như món quà biếu tặng ý nghĩa.

Ngoài thị trường có nhiều thương hiệu bánh đậu xanh nhưng chỉ có Hải Dương là nổi tiếng nhất. Đây cũng là loại bánh mềm, dễ tan (các loại khác thường cứng) và chứa nhiều dinh dưỡng. Bởi chúng được làm từ bột đậu xanh nguyên chất cùng đường, dầu thực vật. Bánh ngọt dễ tan do đó thưởng thức nên uống thêm trà xanh. Vị của nước trà sẽ làm tăng hương vị thơm mát, giảm độ ngọt của bánh.

6. Kẹo Mè xửng của xứ Huế mộng mơ

Kẹo Mè xửng của xứ Huế

Xứ Huế mộng mơ không chỉ có cơm hến, bún hến hay các món bánh, món chè cung đình thanh nhã mà còn có mè xửng dẻo giòn. Thứ kẹo mè xửng đặc sản của Huế rất được lòng du khách vì hương vị vì sự mới lạ.

Kẹo mè xửng được làm từ bột đậu, đường, mè và bánh đa nướng. Món kẹo này sẽ trở nên bình thường nếu thiếu đi công đoạn xửng (cách làm cho đường trở nên cô đặc, dẻo quánh gần gần giống như thắng đường). Mè xửng rất dẻo, ăn có thể bị dính răng thậm chí mỏi miệng nhưng cũng chính điểm này khiến cho mọi người thích thú. Kẹo chia làm nhiều loại tùy thuộc vào đặc điểm” mè xửng đen có nhiều vừng đen ăn bùi bùi, mè xửng gương có hình dáng trong suốt như gương, mè xửng giòn ăn giòn tan do có bánh đa nướng.

Kẹo mè xửng được xem là món quà phải có với tất cả những ai đến xứ Huế. Mọi người dễ dàng mua được ở khắp nơi và giá của đặc sản cũng rất hợp túi tiền.

7. Sâm Ngọc Linh (tỉnh Kom Tum)

Sâm Ngọc Linh

Nói đến sâm, ai ai cũng biết thứ sâm quý nhất hiếm nhất nổi tiếng nhất của Việt Nam chính là sâm Ngọc Linh. Đây là đặc sản rất khó tìm vì hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Muốn tìm sâm phải lên núi Ngọc Linh vạch rừng tìm trong những bụi rậm, vách núi mới có.

Sâm chính là vị thuốc bổ, thuốc dưỡng bệnh tự nhiên tốt cho sức khỏe con người. Theo nghiên cứu, công dụng của nhân sâm Ngọc Linh không chỉ dừng ở thuốc bổ, cầm máu, lành vết thương hay chữa đau bụng sốt rét mà còn có khả năng kháng khuẩn, chống oxi hóa. Nhưng đó mới chỉ là một số tác dụng nổi bật còn thực tế thành phần sinh hóa trong sâm còn được ứng dụng nhiều trong y học. Thậm chí, công dụng của nó còn hơn cả sâm Triều Tiên. Bởi vậy, từ người có tuổi cho đến chị em phụ nữ đều có thể sử dụng loại sâm này để chăm sóc sức khỏe bản thân.

8. Mật Ong Gia Lai

Mật ong Gia Lai

Trên khắp đất nước Việt Nam có biết bao thương hiệu mật ong nổi tiếng thơm ngon nhưng mật ong Gia Lai lại được xếp vào Top 10 đặc sản Việt Nam là có lí do.

Mật ong Gia Lai là mật ong rừng, tương tự như mật ong rừng U Minh và được khai thác chủ yếu từ vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Lợi thế tự nhiên nên mật ong Gia Lai có mang đặc điểm điển hình của loại mật ong rừng: màu vàng óng hoặc vàng nhạt, nước trong có độ kết dính cao, vị ngọt thanh, mùi thơm của hoa rừng.

9. Tỏi Lý Sơn

Tỏi Lý Sơn

Tuy là một đảo quân sự nhưng Lý Sơn lại được mọi người biết từ sản vật. Sản vật đó là tỏi cô đơn Lý Sơn.

Thổ nhưỡng đảo Lý Sơn được hình thành từ sự bồi đắp của cát biển, đá san hô và đá dung nham nguội từ quá trình hoạt động núi lửa. Vì vậy, đất đảo không chỉ tươi xốp mà còn chứa nhiều thành phần tốt cho giống tỏi này. Tỏi không to, không có nhiều tép như tỏi thường mà chỉ có một nhánh duy nhất; bóc lớp áo ra đổ lộ lớp thịt trắng bóng như màu ngọc trai nên còn được gọi là tỏi cô đơn hay tỏi ngọc. Ngoài ra, hương vị tỏi Lý Sơn rất đặc biệt: thơm nhưng không nồng, cay lạ.

Để trồng được tỏi trên đảo quanh năm gió biển, nhiễm mặn người trồng phải ra sức chăm sóc và tưới nước ngọt hàng ngày. Sau gần nửa năm mới có những luống tỏi trưởng thành để thu hoạch. Vì thế, sản lượng không nhiều và giá trị kinh tế của tỏi Lý Sơn rất cao.

10. Yến Sào – đặc sản ngon bổ của Khánh Hòa

Yến sào Khánh Hòa

Địa danh nổi tiếng nhất của Khánh Hòa là Nha Trang, đặc sản trứ danh của Khánh Hòa là yến sào. Đây là câu trả lời mà ai ai cũng biết khi đặt chân đến dải đất miền Trung nắng gió.

Có thể nói yến sào khánh hòa là đặc sản làm quà rất chuộng, rất quý. Bởi loại đặc sản thuộc hàng cao lương mỹ vị từ xưa đã có mặt trong cung đình. Nó là phương thuốc quý chỉ kém sau nhân sâm Ngọc Linh với hàng loạt công dụng. Cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể, tiêu đàm, bổ phế, dưỡng âm, ho hen, v.v và kết hợp với nhiều thành phần thuốc nam khác để bồi bổ cho người già.

Yến sào Khánh Hòa có hai nguồn khai thác tự nhiên và nuôi, nhưng dù nuôi thì nơi sinh sống của chim yến vẫn là những hòn đảo, hang núi ngoài biển. Điều này khác hoàn toàn với hình thức yến nuôi trong nhà. Bởi lẽ đó, yến sào Khánh Hòa có giá trị dinh dưỡng rất tốt.

Top 10 đặc sản Việt Nam đều là những cái tên quen thuộc và trải dài suốt hình chữ S. Nó mang hơi thở, biểu tượng cho mỗi địa danh và vì thế nên chúng xứng đáng là đặc sản làm quà trong mỗi chuyến đi của mọi người.